LONG TÂN – XÃ ĐIỂM TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Xã Long Tân nằm ở phía Bắc của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giáp với thành phố Bà Rịa và huyện Châu Đức. Cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Đời sống người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn trái. Văn hóa truyền thống của người dân địa phương là thờ cúng ông bà, bảo tồn các lễ hội dân gian, văn hóa của đồng bào dân tộc Chơro. Long Tân được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới từ năm 2010 đến cuối năm 2012 đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014.
2023-11-27 15:05:59 46 Lượt xem

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới chính là góp phần quan trọng để phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Đảng ủy xã Long Tân đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Long Tân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn nơi đây. 

Trong thời gian qua, xã Long Tân được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng xã điểm nông thôn mới, trong đó ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện 16,3 tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, chợ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường giao thông nông thôn, nội đồng đạt 100% được nhựa hóa, cứng hóa; kênh mương thủy lợi được bê tông hóa đạt trên 85%…Kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp được đầu tư mở rộng, sản xuất mang lại hiệu quả, chương trình nông thôn mới đạt tiêu chí đề ra. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 4.92%/năm. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: mô hình chuyên canh cây mãng cầu ta hơn 40 ha, mô hình bơ thái dương 18 ha, mô hình cây măng cụt khoảng 20 ha, cây mít hơn 20 ha, mô hình chuối nuôi cấy mô Nam Kỳ khoảng 3 ha, mô hình sản xuất rau các loại khoảng 80 ha, các mô hình tưới tiết kiệm nước, sản xuất giống mới có chất lượng trên 600 ha, bình quân đạt 61 tạ/ha. Kinh tế tập thể dần được hình thành, các mô hình sản xuất chăn nuôi phát triển cả về quy mô và số lượng góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành như: mô hình dưa lưới 10.600m2; hoa lan trong nhà màng 1.400m2; sen lấy củ với diện tích 2.000m2...  Từ đó, thu nhập của người dân được nâng lên tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55,2 triệu đồng/người/năm, gấp 2,85 lần khi triển khai đề án (19,334 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%, không còn hệ nghèo chuẩn quốc gia; triển khai các lớp đào tạo nghề nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, an sinh xã hội, thực hiện cảnh quan môi trường nông thôn được thông thoáng, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương đã tập trung các giải pháp nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao dân trí, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường, thu gom xử lý rác thải; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03, 05/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến năm 2020 đạt 15/15 tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn xã có 9 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động thu hút thêm 372 lao động, nâng tổng số lao động trong các công ty, doanh nghiệp lên 1.300 lao động. Về kết cấu hạ tầng nông thôn, triển khai thi công 39 hạng mục công trình cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, bê tông, nạo vét các tuyến mương nội đồng, sửa chữa công sở, trường học; hạ thế 11,3 km đường dây điện, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; lắp đặt mới các tuyến nước sạch với chiều dài 7,2 km, tỷ lệ hộ sử dụng nước máy 83%. Về giáo dục, có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn; trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100%, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục hàng năm. Công tác khuyến học được thực hiện tốt. Về y tế, xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế, chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng lên, thực hiện khám chữa bệnh cho 17.331 lượt người; dịch bệnh được kiểm soát; an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm tra thường xuyên.

Từ những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Long Tân đã sớm được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2014, tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, từ năm 2014 đến năm 2018 địa phương đã triển khai nhiều giải pháp qua đó đã giữ vững được các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2020 xã Long Tân đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.